Ai cũng có tên, vậy còn số 9?

written by HVN on 2016-10-12

Nếu cứ thấy số 6 gọi là số 6, thấy số 9 gọi là số 9, thì tổng của hai số hẳn là 9 + 6 và sinh ra kết quả là một số 15. Vạn vật sinh ra đều có cho mình một cái tên, một cái tên dù hay hay dở cũng là một cái tên. Python được đặt tên là Python, và người ta gọi nó bằng Python, chứ không gọi nó là "một bộ cú pháp, quy định lập trình với câu lệnh ..."

Vậy hãy đặt cho những con số, giá trị đúng sai những cái tên, để ta được gọi nó, để ta có thể hét tên nó lên hay chửi thầm một cái tên vì nó làm chương trình không chạy.

Cú pháp

name = value

Ví dụ:

>>> my_age = 6
>>> your_age = 9
>>> our_ages = my_age + your_age
>>> print(our_ages)
15

Một khi tên đã được đặt, ta có thể dùng tên thay cho giá trị mà tên đó đã đặt cho. Ở đây, ta có tên, và vật được đặt tên (giá trị).

Tên (name)

Tên không phải đặt thế nào cũng được. Ở Việt Nam không thể đặt tên là anh "Trần Văn @;" mà ra đường không bị tóm. Luật đặt tên được đưa ra như sau:

  • là một hay nhiều ký tự viết liền

    >>> my salary = 15000000
    File "<stdin>", line 1
      my salary = 15000000
              ^
    SyntaxError: invalid syntax
    >>> my_salary = 15000000
    >>> print(my_salary)
    15000000
    
  • phải bắt đầu bằng một chữ cái hoặc dấu underscore (_), tên bắt đầu với chữ số là không hợp lệ:

>>> mimi = 5
>>> mon_ami = 8
>>> 09tam = 7
  File "<stdin>", line 1
    09tam = 7
     ^
SyntaxError: invalid token

Ta gặp ngay syntax error, vì một tên không được bắt đầu bằng số.

Về luật thì chỉ có vậy, 2 luật, mười mấy chữ. Nhưng về thông lệ thì lại có thêm vài điều. Hẳn là ở Việt Nam, chẳng mấy ai có tên là anh "Lê Văn A", "Bùi Thị T" cả. Tên trong Python nên:

  • sử dụng tiếng Anh (lập trình viên "xịn" của nước nào cũng hiểu được).
  • tên nên dễ đọc, hiểu xem đang nói đến cái gì, không cần tiết kiệm dùng các tên 1 chữ
>>> a = 7
>>> x = 9
>>> y = (a + x) * 2
>>> print(y)
32 # vậy y ở đây ám chỉ cái gì?
>>>
>>> width = 7
>>> height = 9
>>> perimeter = (width + height) * 2
>>> print(perimeter)
32 # chu vi = (dài + rộng) * 2
  • không dùng tiếng Việt không dấu (tiếng Việt có dấu HỢP LỆ nhưng xem lại điều trên).
>>> số_bưởi = 90
>>> print(số_bưởi)
90

Vì sao không nên dùng tiếng Việt không dấu? mặc dù điều này là rất phổ biến trong giới lập trình ở Việt Nam. Hãy thử đoán đoạn code sau muốn tính cái gì?

>>> bao_sang = 1
>>> bao_chieu = 2
>>> bao_ca_ngay = bao_sang + bao_chieu
>>> print(bao_ca_ngay)
3

Hai người bất kỳ có thể đọc đoạn code này và hiểu theo 2 nghĩa khác nhau. Hay những câu chuyện / tin nhắn đã trở thành huyền thoại:

Anh oi, em dang o truong, anh den ngay di anh, muon lam roi. A anh nho mua bao moi luon nhe, o nha het bao roi, chi toan la bao cu thoi. Ma thoi, khong can mua bao dau, em moi mat kinh, khong nhin duoc nua anh oi, den ngay di, muon lam roi…

Vậy nên hãy sử dụng tiếng Anh, dù không "giỏi" tiếng Anh thì bạn vẫn có thể tra từ điển để tìm được một từ tương ứng với từ Tiếng Việt cần dùng.

Vật được đặt tên

Tên đã đặt được rồi, còn cái được đặt tên thì nó là gì? có thể là các giá trị kiểu integer, có thể là boolean ... hay gọi chung là một "thứ" / "vật thể" / "đối tượng" nào đó. Và ta thống nhất sẽ gọi là "object" (đối tượng).

bind /bʌɪnd/

Vietsub: bai-đ

Vie: buộc, gắn

Eng: tie or fasten (something) tightly together

Mỗi cái tên giờ sẽ "chỉ tới" một đối tượng (name refers object). Việc "nối" một cái name với một object được gọi chính thức là "binding". Khi sử dụng một cái name chưa được "gắn" vào object nào, ta gặp exception NameError

>>> print(girlfriend)
Traceback (most recent call last):
  File "<stdin>", line 1, in <module>
NameError: name 'girlfriend' is not defined

Chú ý rằng Python gọi girlfriend là một name chứ không phải một variable (biến) giống như các ngôn ngữ lập trình khác. Mặc dù, nhìn chung khi nói về name trong Python người ta vẫn thường dùng từ biến (variable).

Giờ thì hãy đi ra và bắt đầu công cuộc đặt tên cho các Python object, ngày nào còn đi code, ngày ấy bạn vẫn sẽ làm chuyện ấy.